Hương vị đậm đà của ly cà phê luôn để lại dư vị khó quên cho khách du lịch khi đặt chân đến Việt Nam, tương tự như việc trải nghiệm văn hoá uống trà của người Nhật. Ngày nay, trải qua nhiều thăng trầm thời gian, hương vị cà phê Việt đã dần được định hình trong tâm thức của người Việt và du khách. Vì vậy, đối với du khách nước ngoài, cà phê Việt cũng là một điểm nhấn để giữ chân họ lâu hơn.
Thị trường cà phê khổng lồ
Việt Nam không chỉ là một trong những nước xuất khẩu cà phê lớn nhất thế giới mà còn là một thị trường cà phê khổng lồ với các sản phẩm gồm: cà phê rang xay, cà phê hòa tan, cà phê pha phin, cà phê pha máy, các chuỗi cà phê khổng lồ cũng như các quán cà phê to nhỏ xuất hiện khắp đất nước.
Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam, hiện nay Việt Nam là nước xuất khẩu cà phê lớn thứ hai trên thế giới với sản lượng gần 1,650,000 tấn mỗi năm. Mặc dù Chiến tranh ở Việt Nam đã gây ra sự gián đoạn trong sản xuất và kinh doanh cà phê, nhưng sau đó sản lượng cà phê đã tăng nhanh chóng từ chỉ 6,000 tấn vào năm 1975 lên gần 2 triệu tấn vào năm 2016 và dễ dàng đưa Việt Nam lên vị trí một trong những quốc gia xuất khẩu cà phê hàng đầu thế giới như hiện nay. Ngoài ra, trong số các tỉnh thành phố chuyên trồng cà phê thì tỉnh Đắk Lắk được mệnh danh là “thủ phủ” cà phê Việt Nam. Bởi ở đó có những vườn cà phê xanh bạt ngàn trên các triền đồi đất đỏ bazan luôn ngập tràn cái nắng, cái gió của Tây Nguyên huyền thoại. Mảnh đất này cũng là nơi sản sinh ra những thương hiệu cà phê nổi tiếng thế giới để góp mặt vào thị trường của hơn 80 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Với hương thơm đặc biệt, thể chất đậm từ nguồn nguyên liệu cà phê nổi tiếng toàn cầu, cà phê Việt Nam ngày càng được thế giới biết đến và công nhận. Mới đây, trên chuyên trang ẩm thực Taste Atlas, được mệnh danh là “bản đồ ẩm thực thế giới”, cà phê sữa đá Việt Nam đứng vị trí thứ 2 trong Top 10 thức uống cà phê được đánh giá cao nhất thế giới.
Đối với người Sài Gòn – Thành phố Hồ Chí Minh, cà phê đã và đang là nét văn hóa không thể thiếu của người dân nơi đây. Ngoài công dụng giúp tỉnh táo cho cả một ngày làm việc vất vả, cà phê còn là một món ăn tinh thần, là nơi chốn gặp gỡ cho bạn bè, đối tác, và cả hẹn hò lý tưởng nữa… Mặt khác, cà phê Sài thành có một nét văn hóa rất riêng, thoạt nhìn thì trông có vẻ xô bồ nhưng thực ra rất đa phong cách, có thể làm vừa lòng rất nhiều “tín đồ” cà phê của các nền văn hóa khác nhau khi đến đây du lịch, vui chơi…
Nét tương đồng của hai quốc gia
Ngày nay, cách người Việt Nam rang, ủ và thưởng thức cà phê hoàn toàn khác những nơi khác trên thế giới. Ở đây, cà phê được rang từ từ khoảng 15 phút với nhiệt độ thấp, trong khi ở những quốc gia khác, cà phê thường được rang bằng máy. Trong khi việc sử dụng máy pha cà phê trở nên thông dụng trên thế giới, thì người Việt Nam lại pha cà phê bằng phin. Với phin, cà phê sẽ nhỏ giọt từ từ để chắt lọc được những tinh tuý của cà phê, giữ được nhiều hương vị hơn pha máy. Đây cũng là cách pha “cà phê phin” truyền thống của người Việt. Mặt khác, cách uống cà phê của người Việt cũng rất khác nhau, thông thường trong các cuộc gặp gỡ, trò người người Việt thường uống một ly cà phê nâu (cà phê sữa đặc) hoặc cà phê đen. Ở phía Bắc, vào mùa đông, mọi người thường uống nâu nóng hoặc đen nóng. Nhưng nhìn chung, đen đá và đặc biệt là nâu đá là hai lựa chọn phổ biến nhất của người Việt khi thưởng thức cà phê.
Còn khi nhắc đến văn hóa cà phê của Việt Nam và Nhật Bản cũng có một nét tương đồng là người dân rất thích uống cà phê và cà phê cũng là mối quan tâm của hai đất nước. Cụ thể, nếu Việt Nam là một trong những nước sản xuất cà phê lớn trên thế giới thì Nhật Bản lại được biết đến là một trong ba quốc gia tiêu thụ cà phê nhiều nhất thế giới. Hơn nữa, nếu tính theo giá bán lẻ, giá cà phê ở Nhật Bản được xem là cao nhất thế giới. Do đó, đến Nhật Bản, chúng ta sẽ dễ dàng bắt gặp nhiều quán cà phê lớn nhỏ ở các góc phố với hàng trăm phong cách khác nhau như ở Việt Nam. Điều khác biệt là các quán cà phê Nhật Bản thường rất yên tĩnh, đó cũng là nét văn hóa đặc trưng của người Nhật Bản.
Vì vậy, để hiểu thêm về văn hóa cà phê Việt Nam, sắp tới tại sự kiện “Ngày Thành phố Hồ Chí Minh tại Osaka, Nhật Bản”, bà Lê Thị Ngọc Thủy, Chủ tịch hội đồng quản trị Công ty cổ phần Viva Star International sẽ chia sẻ những câu chuyện thú vị xung quanh thức uống khiến người dân và du khách say đắm hàng ngày. Tại sự kiện này, người dân và du khách có cơ hội thưởng thức các tiết mục biểu diễn nghệ thuật pha chế cà phê, tận mắt chứng kiến và thưởng thức cách làm ra một ly cà phê ngon đúng chuẩn cà phê Việt, tìm hiểu về các hình thức pha cà phê khác nhau (pha phin, phin giấy, pha máy, cà phê hòa tan,…).